Hiện tại nền kinh tế Việt Nam bắt đầu vào chu kỳ phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Đánh dấu bằng sự phát triển mới không ngừng của các công ty, doanh nghiệp trong nước và tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài.
Đi kèm có sự gia tăng áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp của các nước trong khu vực. Hơn lúc nào hết việc pháp lý và các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế phải được nâng cao và được quan tâm đảm bảo. Ngành luật kinh tế theo đó đã trở thành “ngành nghề hot, công cụ bảo hộ tối đa cho doanh nghiệp” góp phần duy trì sự ổn định, an toàn và mang đến hiệu quả cao trong quá trình hoạt động của các đơn vị kinh doanh.
Ngành luật kinh tế là gì?
Luật kinh tế là một bộ phận của pháp luật về kinh tế, là hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức và quản lý kinh tế của nhà nước và trong quá trình sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.
Luật kinh tế ra đời nhằm duy trì và giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại cũng như đảm bảo quy trình hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình trao đổi, giao thương cả trong nước và quốc tế.

Ngành luật kinh tế ra làm công việc gì?
Tốt nghiệp ngành Luật kinh tế, sinh viên có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như: chuyên viên tư vấn pháp luật trong các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế xã hội, chuyên viên thực hiện các dịch vụ pháp lý của luật sư hoặc người hành nghề luật sư trong các tổ chức dịch vụ pháp luật, chuyên viên lập pháp, hành pháp và tư pháp trong các cơ quan nhà nước các cấp hoặc nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật kinh tế tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục.
Ngành Luật kinh tế đòi hỏi phải có những tố chất gì?
Có trí nhớ tốt: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước và quốc tế nói chung, liên quan đến lĩnh vực kinh tế nói riêng rất phong phú, đa dạng. Để thực hiện tốt vai trò của mình, bạn phải có một trí nhớ tốt để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và chuẩn xác nhất.
Cẩn thận, công bằng, khách quan và trung thực: bất cứ một người nào làm luật vì khi giải quyết một vấn đề tranh chấp nào đó, bạn phải hiểu cặn kẽ, chính xác sự việc, khách quan, đấu tranh cho công lý và đem lại công bằng cho người khác.
Năng động, sáng tạo, bản lĩnh vững vàng: liên quan đến pháp luật phải năng động, sáng tạo, bản lĩnh vững vàng trước những thử thách và cám dỗ sẽ giúp bạn tìm ra nhiều phương pháp giải quyết vấn đề một cách dễ dàng.
Tư duy hệ thống: sẽ giúp bạn phân hoạch, tổng hợp vấn đề, xác định nguyên nhân, phân tích các yếu tố liên quan đến sự vụ. Đây là tư chất cần phải có của một cử nhân luật kinh tế.
Giỏi ngoại ngữ: giỏi ngoại ngữ sẽ là một ưu thế giúp bạn xử lý các tình huống, các vụ kiện có yếu tố nước ngoài trong kinh doanh, hoàn thành tốt công việc trong bất kì tình huống nào. Nếu “làm chủ” tiếng Anh, công việc của bạn sẽ phát triển và có nhiều cơ hội thăng tiến.
Bên cạnh các yếu tố trên, bạn cần phải có đam mê với ngành Luật, hứng thú với các lĩnh vực kinh tế, tư duy phân tích và tư duy phản biện tốt…