Tôi không tin có thứ gì gọi là “nỗ lực ảo”.

Tôi không tin có thứ gì gọi là “nỗ lực ảo”.

Tôi không tin có thứ gì gọi là “nỗ lực ảo”.
“Em đã cố gắng dậy sớm, thực hiện các thói quen tốt như đọc sách, tập thể thao suốt mấy tuần qua, nhưng chưa thấy có kết quả gì. Em không biết mình có đang nỗ lực ảo không nữa…”
Mấy tháng trước, trong buổi ra mắt sách, một bạn nhỏ đã hỏi tôi câu hỏi như vậy. Nghe xong, tôi cảm thấy rất thương. Vì như những gì bạn chia sẻ, rõ ràng là bạn đang làm rất tốt. Nhưng rồi cũng vẫn bị cái chữ “nỗ lực ảo” làm cho hoang mang và ngờ vực bản thân.
Mà suy cho cùng, “nỗ lực ảo” là cái gì?
Dạo một vòng trên mạng, nhiều người cho rằng “nỗ lực ảo” là khi chúng ta rất muốn cố gắng, rất muốn có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình, nhưng lại không thật sự làm được. Một vài ví dụ thường được liệt kê ra có thể khiến nhiều người cảm thấy bị “nhắc nhở”, như việc mua sách về mà không đọc hết, đặt ra mục tiêu nhưng không thực hiện được, mua thẻ tập gym mà bập bõm được vài buổi rồi lại thôi…
Nhưng việc đó có thật sự “xấu” như người ta vẫn nghĩ?
Đối với tôi, sẽ chẳng có gì sai nếu như bạn mua sách về mà không đọc hết, đặt ra mục tiêu mà không đạt được, cố gắng để phát triển bản thân nhưng đôi lúc vẫn bị rơi vào vòng lặp trì hoãn…
Sự thật là, ai cũng đều muốn mình được trở nên tốt hơn. Việc mua sách về thật ra cũng chỉ bắt nguồn từ khao khát ấy. Và đó là một ý muốn chính đáng, lẽ ra nên được khích lệ và hoan nghênh chứ không phải bị chê trách hay vùi dập.
Mua sách mà không đọc hết có thể đến từ nhiều lý do. Có thể cuốn sách đó quá cơ bản, hoặc quá chuyên sâu, không tương thích với trình độ của bạn ở thời điểm hiện tại. Năng lực đọc của bạn có thể phù hợp hơn với những hình thức nội dung khác. Hoặc, bạn chưa thật sự hiểu về nhu cầu của mình để lựa chọn chủ đề sách cho phù hợp.
Tương tự như vậy với những vấn đề khác. Vì có lẽ chúng ta đều biết, để hình thành nên một thói quen mới, thay đổi lối sống của mình, hoặc kiên trì theo đuổi một mục tiêu nào đó… là những thử thách khó khăn đến thế nào. Rất hiếm khi chúng ta thành công ngay từ lần thử đầu tiên. Thất bại trên tiến trình đó sẽ là tất yếu. Chúng ta chỉ cần rút ra kinh nghiệm cho mình, và bình tĩnh mà tiếp tục cố gắng.
Vậy nên, có lẽ vấn đề thật sự là nỗ lực “chưa hiệu quả” chứ không phải nỗ lực “ảo”. Mà nếu như nó chưa hiệu quả, thì có lẽ chúng ta nên tìm cách để nỗ lực sao cho hiệu quả hơn, thay vì băn khoăn rằng nỗ lực của mình là “ảo” hay “thật”.
Mà để biết thế nào là nỗ lực hiệu quả, chúng ta cũng phải đánh đổi bằng nhiều nỗ lực trước đó. Giống như việc phải sai nhiều lần rồi mới biết thế nào là đúng. Nếu như nỗ lực của mình chưa mang lại kết quả như ý muốn, thì đó là dấu hiệu để chúng ta nhìn nhận lại, và suy xét xem vấn đề nằm ở sự kỳ vọng, ở phương pháp, hay ở những niềm tin giới hạn của chính mình?
Vậy nên tôi nghĩ, khái niệm “nỗ lực ảo” đang gây ra nhiều cản trở hơn là giúp ích. Nó là một chiếc nhãn dán tiện lợi để chúng ta tự dán lên mình hoặc lên người khác, và để xem nhẹ đi những nỗ lực mà lẽ ra cần phải được ghi nhận nhiều hơn.
Hãy cứ nỗ lực thôi. Miễn sao nỗ lực đó xuất phát từ chính bạn, từ khát khao muốn mình được trở nên tốt hơn, thì dù đã hiệu quả hay chưa, nỗ lực ấy vẫn sẽ luôn là “thật”.

Trả lời

0915238189
Liên Hệ Khác